Đời Và Nhạc Trịnh Công Sơn (Phần 2)

Doi-va-nhac-trinh-cong-son-01

Diễm xưa

Doi-va-nhac-trinh-cong-son-diem-xua

Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn đã tuyên bố với Vĩnh Xương, báo Đất Việt, năm 1985 : ” Đến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi. Sau đó thấy có hứng thú sáng tác và thử viết thêm một số bài. Năm 1959, tôi viết bài Ướt Mi và được bạn bè khích lệ. Tôi mới tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè. Sau đó, tôi phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn Những Mùa Thu Đi chẳng hạn). Năm 63, tôi có một số sáng tác khá thành công như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng. Từ đó, tôi đi vào con đường sáng tác “.

Cát bụi

Doi-va-nhac-trinh-cong-son-cat-bui

Và từ đó, Trịnh Công Sơn nổi tiếng.

Khi đặt câu hỏi : sao một thanh niên, rất trẻ, chỉ học “trường Tây” mà sử dụng tiếng Việt tài hoa đến vậy, tôi không có thành kiến – vì bản thân mình cũng chỉ học “trường Tây”- mà để tìm hiểu nguồn sáng tạo trong ngôn ngữ.

Trịnh Công Sơn, có lẽ – đây là giả thuyết dè dặt – không học nhiều văn chương Việt Nam được giảng dạy ở nhà trường thời đó, nên không bị nô lệ vào những khuôn sáo trường quy, không suy nghĩ bằng điển cố sẵn có, mà tạo được một hình thức mới cho lời ca. Lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh, biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi họ phải hiểu nghĩa chính xác. Ví dụ bài Tình Sầu :

Tình xa như trời / Tình gần như khói mây /

Tình trầm như bóng cây / Tình reo vui trong nắng /

Tình buồn làm cơn say

… Cuộc tình lên cao vút / Như chim mỏi cánh rồi / Như chim xa lìa bầy / Như chim bỏ đường bay /

Mạch lạc nội tại (cohérence organique) của ca khúc không dựa vào tương quan ý nghĩa : “tình xa như trời” thì hợp lý, nhưng gần, sao lại như “khói mây” ? “Tình lên cao vút”, sao lại “như chim mỏi cánh rồi” ? “Tình reo vui trong nắng”, thì phải đối ngẫu với “tình buồn cơn mưa bay” mới chỉnh, sao lại say sưa vào đây ?

Thật ra, mạch lạc nội tại được cấu trúc trên hình thức ngôn ngữ : những từ lặp lại : tình, chim, như, những vần luyến láy : mây, cây, say, bay, những từ đối lập : xa/gần, vui/buồn. Hình ảnh nối tiếp nhau, không cần ăn khớp với lý luận, lại được tiết điệu, âm giai nâng đỡ, bay bổng, bay thẳng vào tâm tưởng người nghe.

Chúng ta thử so sánh, để tìm hiểu chứ không phân định hơn thua, một lời nhạc tương tự của Đoàn Chuẩn – Từ Linh :

Gửi gió cho mây ngàn bay

Gửi bướm muôn màu về hoa

Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư

Về đây với thu trần gian …

Hai ca khúc na ná, vì đều là ẩn dụ xâu chuỗi (métaphore filée), nhưng câu sau của Đoàn Chuẩn và Từ Linh được cấu tứ theo ngữ nghĩa và quy ước, theo điển cố : gió+mây, bướm+hoa, gió+trăng, trăng+thu. Nét mới là màu xanh lá thư bị xoá nhoè giữa những ước lệ được liên kết thành một xâu chuỗi kiên cố, chặt chẽ quá làm mất chất thơ. Thêm vào đó là những câu thất ngôn đường luật rất chỉnh chu :

Lá vàng từng cánh / rơi từng cánh

Rơi xuống âm thầm / trên đất xưa

Bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay rất hay, nhưng hay một cách khác, được yêu chuộng ở một giới thính giả khác.

Phạm Duy, thời trẻ, đã có những sáng tạo tân kỳ :

Buồm về dội nắng đôi vai

Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi

(Tiếng Đàn Tôi), 1947

Sau đó, anh trở về với ngôn ngữ duy lý :

Bao giờ em giở lại vườn dâu (hỡi em)

Là một câu thơ tuyệt vời : vườn dâu là niềm thương nhớ muôn trùng một nền văn minh đã khuất bóng. Nhưng Phạm Duy lại bồi thêm câu sau :

Để anh bắc gỗ xây nhịp cầu (anh) bước sang…

(Quê Nghèo, 1948)

Thì cái ý đã thu hẹp cái tứ. Câu hát trở thành thô thiển, và giới hạn âm vang.

(Tôi đã có dịp trình lên anh Phạm Duy ý này, anh cười vui : thế à ?)

Tác phẩm Lê Thương uyên bác cả nhạc lẫn lời, đã đựơc người đời yêu thích.

Trịnh Công Sơn sẽ không viết được những câu văn vẻ như Lê Thương :

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,

Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng …

(Hòn Vọng Phu)

nhưng đã viết :

Đàn bò vào thành phố

Reo buồn tiếng hạt chuông

(…)

Đàn bò tìm dòng sông

Nhưng dòng nước cạn khô

Đàn bò bỗng thấy buồn,

bỗng thấy buồn …

(Du Mục)

Những hình ảnh ngoài trí tưởng tượng của Lê Thương – ông vua đặt lời ca – theo sự đánh giá của Phạm Duy.

Đi vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới, phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước.

Trịnh Công Sơn tự học nhạc, chứ không được đào tạo theo hệ thống trường quy. Khi bắt đầu sáng tác, được khích lệ, mới “trao đổi nhạc lý với bạn bè”, anh không nói rõ là những ai.

Câu hỏi thứ hai người tò mò đặt ra là : học nhạc một mình, thì vốn liếng nhạc thuật lấy đâu ra mà sáng tác nhiều, nhanh và hay như thế ?

Nhiều người cho là tác phẩm anh đơn giản về mặt nhạc thuật, nói là nghèo nàn cũng được.

Nhớ mùa thu Hà Nội

Văn Cao nhận xét : “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển, theo cấu trúc bác học phương tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.

Lối nhạc hồn nhiên, dung dị này lại đáp ứng lại với nhu cầu thời đại, theo Phạm Duy :

“Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại” .

Một thính giả bình thường, yêu quý Trịnh Công Sơn, đã viết sau khi anh qua đời : “Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta” (Vũ Thư Hiên, Varsovie, 4/2001). Nhận xét không đúng nhưng tiêu biểu.

Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.
Nguồn: Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *